Những thánh phán khi bôi nhọ, mỉa mai, “dìm hàng” cô giáo và nữ kĩ sư có thấy hạnh phúc hơn không, nhưng tôi tin chắc, những người đó sẽ dễ dàng vượt qua được bởi họ đủ bản lĩnh.
Tháng 6 vừa qua, cư dân mạng đã một phen dậy sóng khi một giáo viên – là hiệu trưởng một trường tiểu học - không trả lời được câu hỏi: “Nghĩa trang Hàng Dương thuộc tỉnh nào của nước ta?”. Hầu hết cư dân mạng đã “ném đá” không thương tiếc cô giáo đến mức chính bản thân cô đã rất buồn khi đọc được những bình luận ác ý của dân mạng và đã thức nhiều đêm suy nghĩ về những vấn đề này. Tuy nhiên, bản thân cô giáo cũng không ngờ sự việc bị thổi bùng lên quá lớn và khiến cho cuộc sống của cô bị đảo lộn.
Và vài ngày gần đây, cư dân mạng lại tiếp tục “ném đá” cô kĩ sư 24 tuổi không trả lời được câu hỏi về hiện tượng thời tiết El nino và canh cua thường nấu với rau đay. Thậm chí, có cả những bình luận ác ý không liên quan đến kiến thức của cuộc thi như ngoại hình, tính cách… Nhiều người còn tranh thủ nâng cao quan điểm chửi đến thế hệ trẻ, chửi đến nền giáo dục…
Thực ra, trong cuộc sống chúng ta không biết rất nhiều thứ và điều bạn biết rõ không có nghĩa là người khác cũng phải biết rõ như bạn. Bạn thường nấu canh cua với rau đay, nhưng rất nhiều người cả đời chưa dám mơ đến ăn cua chứ đừng nói là phải đã từng nấu canh cua với thứ gì là tốt nhất. Còn rau đay, tôi - người viết bài viết này - có biết sau khi hỏi nhiều người chứ tôi cũng chưa hề nhìn thấy nó.
Người ta “ném đá” chủ yếu bởi vì địa vị của hai người này, một là cô giáo - hiệu trưởng, một là kĩ sư - rất giỏi. Một cô giáo hay là hiệu trưởng, một kĩ sư hay là một chủ tịch tỉnh, một bộ trưởng nào đó… không có nghĩa là họ phải biết và phải nhớ hết tất cả mọi thứ. Nếu trong công việc họ gây ra sai sót thì chính họ phải chịu trách nhiệm còn ở đây là một game show chỉ để giải trí, hà cớ gì mọi người lại ném đá người ta vì không trả lời được những câu hỏi của chương trình. Áp lực nghề nghiệp và trình độ cũng giống như chuyện: liệu có công bằng không khi chúng ta cho rằng nghề giáo và nghề y là hai nghề được đặt nặng vấn đề lương tâm nghề nghiệp. Nói như vậy không lẽ những nghề khác thì có quyền hay được phép không có (hoặc ít) lương tâm? Cho nên đem áp lực công việc và trình độ để ném đá những người này là không công bằng.
Thứ hai, từ góc độ cá nhân người viết bài, tôi thực sự rất nể bản lĩnh của những người tham gia thi trong game show. Chỉ những ai đã từng phải trải qua nhiều thử thách với những kì thi thì mới hiểu được bản lĩnh của những người dám đi thi. Bản lĩnh không phải ở chiến thắng và đạt được bao nhiêu tiền thưởng mà chính là ở đây - ở những câu hỏi không thể trả lời – hay đúng hơn là bản lĩnh đối diện với những điều chưa biết của bản thân mình, đối diện với thất bại (dù là một trò chơi).
Thử hỏi, có biết bao nhiêu người trong chúng ta rất muốn tham gia trò chơi đó nhưng đã không đủ bản lĩnh để đăng kí mà nguyên nhân chính cũng là vì sợ bị loại ngay vòng đầu, sợ không được lên ghế nóng, sợ trả lời không được bị chê cười. Có bao nhiêu người không thể trả lời được câu hỏi “Nghĩa trang Hàng Dương ở tỉnh nào” nhưng đã không dám nói ra. Ít nhất, những người đi thi họ đã dám công khai trước mọi người những gì mình chưa biết, còn hơn những kẻ lúc nào giấu dốt, không biết nhưng cũng lên mạng làm anh hùng bàn phím, làm thánh phán.
Những thánh phán khi bôi nhọ, mỉa mai, “dìm hàng” cô giáo và nữ kĩ sư có thấy hạnh phúc hơn không thì tôi chưa biết nhưng tôi tin chắc chắn một điều rằng, những người bị “scandal” như vậy họ sẽ dễ dàng vượt qua bởi họ đủ bản lĩnh. Bản lĩnh xem chương trình “Ai là triệu phú” và những thị phi không đáng chỉ là một trò chơi không hơn không kém. Nhưng những trải nghiệm đắng cay không đáng họ nhận được sẽ để lại một nỗi buồn không chỉ với cá nhân họ mà còn là nỗi buồn cho xã hội, nỗi buồn về một đám đông luôn sẵn sàng hùa vào ném đá người khác bất chấp lí do và cũng không cần suy nghĩ. Đống đá ấy sẽ không làm gục ngã những con người bản lĩnh nhưng đủ sức sát thương và gây chết người với những tâm hồn còn non nớt. Hãy dừng lại đi hỡi các thánh phán!
THỦY LÂM