Chiều 27-3, TAND quận Hoàng Mai, Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh Ngọc Thạch (còn gọi là Bình “còng”) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Nửa năm trước, ông Thạch chạy xích lô chở tôn. Một cháu bé 9 tuổi chạy xe đạp va vào tấm tôn trên xe ông, bị cứa cổ và tử vong.
Phiên tòa được dư luận chờ đợi không phải để mong nhìn thấy bị cáo bị trừng trị như nhiều vụ án tai nạn giao thông trước đó, dù ai cũng rưng rưng thương cháu bé. Mà bởi những tháng qua, thông tin về nhân thân bị cáo Thạch, một cựu binh ở chiến trường biên giới Vị Xuyên, Hà Giang năm xưa nay sống trong nghèo túng; về tấm lòng của đồng đội cũ - những người góp tiền giúp ông lo tang ma cho cháu bé; về thái độ đau khổ và ăn năn của ông, đã được xã hội thông cảm và sẻ chia. Bản thân gia đình cháu bé không yêu cầu bồi thường và xin tòa xử nhẹ cho ông.
Hội đồng xét xử sau khi cân nhắc về các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, hoàn cảnh và thái độ khắc phục hậu quả của bị cáo... đã tuyên phạt ông Thạch 6 tháng cải tạo không giam giữ.
Thông tin về kết quả phiên xử được truyền đi rất nhanh. Nhiều người mừng cho ông. Dư luận nói đó là một bản án thấu tình và nhân văn. Nó được đón nhận với một sự nhẹ nhõm, hài lòng của công chúng.
Thái độ của dư luận trong vụ ông Bình “còng” khiến tôi bỗng bật ra câu hỏi: Tại sao, ở nhiều phiên tòa, cũng cụm từ “nhân thân tốt’’, “phạm tội lần đầu’’, ‘’có nhiều thành tích trong công tác’’ lại vấp phải sự phản đối của công chúng? Đặc biệt là những phiên tòa xét xử cán bộ, quan chức nhà nước phạm tội tham nhũng. Người ta phản đối không phải vì những người đó thiếu các yếu tố trên mà vẫn được tòa chấp nhận.
Người ta phản đối vì sự vô lý. Bởi ở loại tội phạm này, bị cáo là người có chức vụ trong cơ quan nhà nước. Có chức vụ dĩ nhiên là có thành tích, là chưa từng phạm tội và bị kết án, là phạm tội lần đầu, là nhân thân rất tốt. Theo lẽ dân gian, đã có chức vụ mà còn phạm tội thì bị xử nặng hơn dân, cớ sao vin vào “nhân thân tốt’’ để giảm nhẹ?
Tôi nhớ tại rất nhiều phiên tòa xử những người lam lũ lỡ tay say rượu đánh nhau, lỡ dại làm sai điều gì đó, hàng ghế dự khán luôn có hàng xóm láng giềng. Thỉnh thoảng có người chép miệng: “Tội nghiệp, bình thường ổng hiền và tốt lắm!”.
Tôi cũng nhớ, chưa có phiên tòa xử tham nhũng nào, xóm giềng đến dự với sự sẻ chia như thế. Tôi nhớ, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội cách nay nửa năm, ngày 21-9-2016, báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho biết: năm qua tỉnh Thanh Hóa xét xử các tội danh tham nhũng, một nửa trong số các bị cáo được cho hưởng án treo hoặc được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Tương tự, Nghệ An xét xử 7 bị cáo tham nhũng thì cho 3 bị cáo hưởng án treo, 100% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Hà Nội xét xử 46 bị cáo phạm tội về tham nhũng, cho hưởng án treo 11 bị cáo.
Ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội từng nói rằng hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán về án treo dường như đang “làm lợi” cho tội phạm tham nhũng. Theo ông Bộ, có nhiều trường hợp các bị cáo tham nhũng cách thời điểm bị phát hiện nhiều năm, sau đó mới bị khởi tố. Nhưng đến khi xét xử lại áp dụng tình tiết bị cáo “có nhân thân tốt” là không đúng. “Nếu tốt thì đã không tham nhũng, mà tham nhũng nhiều lần, tham nhũng số lượng lớn thì không thể tốt được" - ông Bộ nói.
Rõ ràng, việc giảm nhẹ hình phạt khi xử quan tham, khó có thể thuyết phục công chúng rằng đấy là việc làm nhân văn. Đó là sự mạo danh nhân văn, là dung túng, thiếu nghiêm minh. Dư luận đã quá chán nản với những người có nhân thân tốt, tốt đến… ngày bị bắt, bị tuyên án với con số tiền tham nhũng trăm, ngàn tỷ.
Dĩ nhiên nền pháp luật dù có tốt đến mấy cũng chỉ có thể tiệm cận với chân lý. Với những khái niệm như nhân văn, người tốt, kẻ xấu, đôi khi việc định lượng của pháp luật không thể thay thế sự cảm nhận của người dân. Làm sao có thể khiến người dân tin rằng một người tốt chỉ qua những bằng khen và chức vụ.
Quay lại với bị cáo Thạch trong vụ tai nạn giao thông, vì sao người ta tin ông tốt và chấp nhận “”nhân thân tốt”? Là vì thời trẻ ông cống hiến máu xương, tuổi già vẫn trằn lưng ra kiếm tiền mua gạo; vì ông dù có lỗi, nhưng phạm tội khi đang lao động đổ mồ hôi. Và tất cả những điều đó, người ta gọi là thiên lương. Thiên lương thì hiển lộ chứ không cần dẫn luật, thiên lương thì không cần phải chứng minh bằng những xấp bằng khen; thiên lương thì không ăn của dân trăm tỷ ngàn tỷ.
Tôi học Luật, ngành đào tạo cán bộ tòa án. Bè bạn lớp tôi giờ đa phần luật sư, thẩm phán, lãnh đạo tòa. Thi thoảng gặp nhau chúng tôi vẫn hỏi nhau một câu, nhưng rồi chẳng đứa nào trả lời được. “Làm sao có thể tin một người có nhân thân tốt, khi mà ở họ không hề hiển lộ thiên lương?”
ĐỨC HIỂN