Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,106 lượt

Sự hồn nhiên đau đớn

Cách đây ngót 10 năm, tôi có chuyến công tác vào Đồng Tháp. Ngồi nghỉ chân ở quán nước giữa bốn bề kênh rạch, tôi thấy một cô bé gái quần áo bẩn thỉu, rách rưới, len lén ngồi nhìn sau liếp cửa.

 

Bà chủ quán lấy cho bé gói mỳ tôm, rồi nói nhẹ nhàng cho nó đi. Bà kể, con bé đang học lớp 7, bị cưỡng hiếp. Gia đình chỉ biết lúc cháu đã có thai. Bé gái nói bị một người đàn ông trong xóm gạ gẫm, lúc bằng đôi dép, lúc cái kẹp tóc, khi chỉ là cái kẹo, hay dăm nghìn mua kem. Việc lan ra, người nọ chối phắt, bố mẹ cô bé khiếu kiện không thành. Gia đình bắt em phá thai. Trải qua một cơn đau thập tử nhất sinh, bé gái sau đó không bao giờ bình phục được nữa. Em phát điên.Tôi lúc ấy thốt lên một câu ngô nghê: “Sao lại có thể như thế?"

 

Bà chủ quán không trả lời, chỉ nhìn tôi. Cái nhìn im lặng ấy ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau này.

 

Con trai tôi 6 tuổi. Tôi nhiều lần nói với nó: Dù thế nào đi nữa, bố muốn con luôn phải nhớ. Điều thứ nhất, cơ thể con là của con. Chỉ của con thôi, không ai có quyền xâm phạm. Bất cứ ai. Nếu ai đó động vào người con mà con không muốn, nếu là người thân, thì con có quyền phản đối. Còn nếu là người lạ, thì con hãy bỏ đi, hoặc kêu lên nhờ người lớn giúp đỡ.

 

Tôi chưa thể giải thích cụ thể hơn với một thằng bé lớp một về tấn công tình dục, về bạo hành, về đụng chạm thể xác theo kiểu quấy rối có chủ đích. Tôi chỉ biết rằng, cũng như chúng ta dạy con mình về sự nguy hiểm của điện, hay độ cao, hay hồ nước sâu... chúng ta không có cơ hội thị phạm, và chúng ta cũng biết rằng những nguy cơ ấy tuyệt đối không được xảy ra với bọn trẻ. Dù chỉ một lần.

 

Hóa ra rất vô tình, nguyên tắc tôi dạy con mình trùng một phần với phương pháp giáo dục nhận thức tự vệ cho trẻ nhỏ phổ biến khắp thế giới. Nhưng đó chỉ là một sự tình cờ may mắn.

 

Hiện nay, một số trường tiểu học bắt đầu tìm cách giáo dục về giới tính và an toàn cơ thể cho học sinh. Bộ Giáo dục thì không có tài liệu giáo dục giới tính cho cấp tiểu học. Thế là các trường mời những trung tâm sức khỏe sinh sản, trung tâm giáo dục giới tính... về mở các khóa đào tạo ngắn hạn. Có thể các chuyên gia của các trung tâm này có trình độ chuyên môn rất tốt. Nhưng nếu Bộ Giáo dục cẩn trọng đến mức chưa đưa giáo dục giới tính vào chương trình đào tạo chính thức cho học sinh tiểu học, thì những đứa bé miệng còn hơi sữa ấy vẫn có thể là nạn nhân của những kẻ phi nhân tính.

 

Đã qua lâu rồi cái thời người lớn có thể ù òa nói với con trẻ rằng chúng được sinh ra từ nách, rằng sờ phải “chỗ này” là sẽ bị to bụng còn nhìn vào “chỗ kia” thì coi chừng đau mắt. Nếu chúng ta không tìm ra cách để nói với con về các đặc tính giống loài, thì Internet sẽ dạy chúng. Hoặc tệ hơn nhiều, cuộc sống sẽ dạy chúng bằng những cú vấp đau đớn, có thể không bao giờ có thể gượng dậy được nữa.

 

Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số - từng bực bội kêu với báo chí rằng, từ những năm 80 của thế kỷ trước, việc đưa vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản vào trong chương trình giáo dục chính thức ở Việt Nam đã được đề xướng. Nhưng hơn 30 năm sau, câu chuyện vẫn gần như là con số 0. Đó vẫn luôn là những giờ học ngoại khóa không bắt buộc.

 

Cuộc đấu tranh chống lại những con quỷ râu xanh không chừa ra bất cứ quốc gia hay cộng đồng nào. Tấn công tình dục phụ nữ và trẻ em là một trong những vấn nạn dai dẳng nhất, đau đớn nhất mà xã hội phải đối mặt. Nhưng để đối mặt, trước hết mỗi cá nhân phải là một chiến binh. Để trở thành một chiến binh, trước tiên phải hiểu những nguy cơ, và phương thức để tự vệ. Để trẻ em thiếu thông tin và kiến thức về chính cơ thể chúng - đó là tước đi khả năng tự vệ của chúng.

 

Muốn làm được, thì cần có phương pháp tiếp cận phù hợp. Ở nhiều nước châu Âu, trẻ em được giáo dục giới tính từ tuổi đi nhà trẻ, và kéo dài liên tục ở các cấp học sau.

 

Hôm nay chúng ta có thể căm phẫn và lên án những kẻ ấu dâm, nhưng vẫn sẽ rất ít đứa trẻ của chúng ta biết rằng đó là nguy cơ đối với chính bản thân chúng.

 

Một cuộc đấu tranh trên mạng, dù lan thông điệp tới đâu, cũng sẽ không chạm đến được những cô bé như đứa trẻ tội nghiệp tôi đã thấy bên bờ kênh năm nào. Cái đã có thể cứu em, lẽ ra, là một cuốn sách giáo khoa với những trang giáo dục giới tính.

PHẠM GIA HIỀN

Top