Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,833 lượt

Đâu chỉ có Formosa? Hãy nhìn thẳng vào những chuyện "đúng quy trình" đáng sợ ở Việt Nam

Chỉ khi người làm ra và vận hành quy trình ấy biết được cái giá của sự liêm sỉ; biết được số phận thảo dân cũng đáng quý như số phận quan; biết được "trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", biết được sẽ không có vùng cấm nào để hạ cánh an toàn cho những chuyên cơ vơ vét…, thì khi ấy, "quy trình đúng" mới không trở thành cái khiên che chắn cho tội lỗi, hại dân, hại nước.

 

1. Khi im lặng không còn là vàng

 

 

Cách đây mấy ngày, ông Võ Kim Cự vẫn cực kỳ nhất quán trong việc thực hiện một "quy trình đúng" trong xử lý khủng hoảng truyền thông theo kiểu "makeno – mặc kệ nó": Im lặng là vàng.

 

Vàng rất quý nhưng chúng không hề biết… nói. Theo quan điểm này, càng ít nói, sự việc càng mau chìm xuống, nhất là trong thời buổi mà thác lũ thông tin mới mỗi ngày nhanh chóng nhấn chìm sự kiện cũ.

 

Nhưng ông Cự và những người tư vấn cho ông có vẻ chưa tính hết: Khi biển vẫn chết, ngư dân vẫn treo niêu và mối lo Formosa vẫn còn nguyên đó, thì mũi dùi dư luận không thể nào lãng quên một nhân vật rất quan trọng trong dự án như ông.

 

Ông Võ Kim Cự có thể tiếp tục chống cự bằng cách im lặng trước dân; tiếp tục dùng nhiều cách, cả tinh tế và thô sơ để tránh báo chí đến cùng, nhưng ông không thể im lặng khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân "nhắc nhở" rất nhẹ nhàng về trách nhiệm của một Võ Kim Cự - đại biểu quốc hội.

 

Người dân không bầu ra một đại biểu chỉ biết bịt tai và im lặng trước bức xúc và nhiều câu hỏi nóng bỏng của họ.

 

Sau nhiều ngày dùng mọi biện pháp nghiệp vụ để "săn đuổi" – như ý ông Cự đã phàn nàn, đột nhiên được ông Cự đồng ý gặp, cánh báo chí mừng hơn bắt được vàng.

 

Khác hẳn với quy trình im lặng suốt 4 tháng, ông Cự trả lời liên tục.

 

Tuy nhiên, khi đọc bài trả lời phỏng vấn rất đúng quy trình của ông Cự, độc giả nhanh chóng rơi vào một trạng thái "không trọng lượng" – nghĩa là nhất thời không biết luận giải ra sao.

 

Đầu tiên, ông Cự cho thấy mình còn có công khi phải "đấu tranh cân não" để đi tới quyết định chọn Formosa nhằm "giữ lại mỏ sắt Thạch Khê cho con cháu" (Theo ông, khi ấy Formosa được chấm điểm cao một phần vì họ không đòi khai thác mỏ sắt đó và chấp nhận làm cảng biển).

 

Sau đó, bằng những dẫn chứng tương đối cụ thể, ông Cự chứng minh tất cả tiến trình, nội dung dự án, kể cả đánh giá tác động môi trường, đều "đúng quy trình".

 

Ông bảo Hà Tĩnh đã xin ý kiến Trung Ương, đã được sự thẩm định của 12 Bộ chuyên ngành, đã được Thủ tướng đồng ý cho Formosa thuê 70 năm. Nghĩa là không có chuyện tiền trảm hậu tấu.

 

"Hà Tĩnh không đủ thẩm quyền và không đủ khả năng quyết những việc ấy" ông Cự nhắc lại thông điệp quan trọng này trong các bài báo. Điều cuối cùng mà ông Cự đề cập trong các bài trả lời phỏng vấn cũng được khép lại bằng một "quy trình đúng" trong xử lý khủng hoảng truyền thông: Ông bày tỏ thái độ phẫn nộ khi Formosa làm sai dù đó là "sự cố ngoài ý muốn". Ông chia sẻ sâu sắc với ngư dân bị thiệt hại, vì trong số hàng triệu người đó có nhiều đồng hương của ông.

 

Thậm chí, trong một thông điệp mới nhất, ông Cự tiến thêm một bước để chinh phục thêm những người còn đang phân vân: "tôi dám làm, dám chịu, không đổ lỗi cho bất kỳ ai". Tất cả những dẫn giải đó, thực ra, cũng đã khiến cho nhiều người thay đổi thái độ, nếu như tờ Tuổi trẻ không phát hiện ra một văn bản do chính ông Cự ký ngày 9-4-2008 gửi Formosa nêu rõ thời hạn thuê đất là 70 năm, cùng hàng loạt ưu đãi trong mơ khác. Và sau đó 1 tháng, ngày 8-5-2008, Hà Tĩnh mới gửi các văn bản xin ý kiến các bộ ngành.

 

Nhiều lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã phải đăng đàn khẳng định: Trong tất cả các văn bản xin ý kiến bộ ngành và Thủ tướng, không có văn bản nào Hà Tĩnh đề cập chuyện cụ thể: Cho thuê đất 70 năm.

 

Tới đây thì có vẻ thái độ "tôi dám làm, dám chịu, không đổ lỗi cho bất kỳ ai" của ông Cự bắt đầu được giải mã.

 

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ, một quan chức cả đời nêu cao sự thanh liêm, đã nhận xét về cái điều mà ông Cự tự nhận "dám làm, dám chịu" bằng một câu rất hay: "Ông Cự trả lời như lấy thúng úp voi".

 

Nói đi thì cũng phải nói lại cho công bằng, câu chuyện trách nhiệm với một siêu dự án như Formosa, không thể nào chỉ đổ lên vai ông Cự. Cả một tiến trình phức tạp, rắc rối liên quan đến rất nhiều cơ quan, diễn ra trong một thời gian không ngắn, không bao giờ là kết quả của ý chí một vài người. Đó là câu chuyện dài về cơ chế, về kiểm soát, thẩm tra, thẩm định và sử dụng nhân sự.

 

Nói về trách nhiệm của mình ở Formosa, ông Võ Kim Cự bảo: "Tôi khẳng định, tôi làm mọi việc theo đúng quy định của pháp luật chứ không vì một động cơ hay mục đích cá nhân nào cả. Mọi việc hoàn toàn là vì dân, vì nước…". Ông Cự muốn có một dự án là đầu kéo, là cú hích để Hà Tĩnh phát triển mạnh. Việc ông Cự có hoàn toàn vì dân vì nước, có làm đúng quy trình hay không, hãy để các cơ quan kiểm tra làm rõ. Chỉ biết rằng, trước khi trở thành một đầu kéo kinh tế, Formosa đã kịp hủy hoại không thương tiếc kinh tế biển miền Trung. Chỉ biết rằng, với những ưu đãi trong mơ, Formosa chỉ phải trả tổng cộng tiền thuê đất trong suốt 70 năm là 94 tỉ đồng cho hơn 33 triệu mét vuông đất – mặt nước (giá thuê chỉ có 80đ/1m2/ năm).

 

Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ lần thẩn rằng khi giành được dự án, Formosa có lẽ đã ăn mừng tưng bừng vì họ đã biết vận hành một quy trình đúng trong việc tiếp cận nhân vật quan trọng như ông Cự.

 

2. Vi phạm pháp luật, vẫn "đúng quy trình"

 

 

Trước khi bị phát giác đầu độc biển miền Trung, Formosa được biết đến như một "đế chế" riêng ở trong lòng Hà Tĩnh.

 

Formosa gây ra hàng loạt vụ bê bối lớn. Giàn giáo sập 13 người chết, 29 người bị thương. Đổ thải trộm khiến dân ai oán. Sử dụng chui hơn 3.000 lao động Trung Quốc. Tự ý xây miếu thờ bất chấp sự không cấp phép của chính quyền…

 

Có vẻ công ty này và cả cơ quan quản lý rất biết cách xử lý đúng quy trình những thảm kịch này, nên tiến độ dự án vẫn chạy băng băng.

 

Những vụ đổ trộm chất thải tai tiếng được xử lý đúng quy trình thế nào đó để sau đó Chu Xuân Phàm vẫn lên mặt răn dạy người Việt chọn thép thì thôi tôm cá.

 

Cư dân mạng, khi rảnh việc hay làm những thứ so sánh có vẻ khập khiễng nhưng lại đầy cảm xúc thực tế.

 

Trong khi hai thanh niên cướp ổ bánh mì vì đói bị bắt và xét xử phạt tù rất quyết đoán, đúng quy trình, thì ông Bí thư huyện ủy Hà Quảng lái xe điên đâm chết 3 người được hưởng án treo.

 

Trong khi lãnh đạo Formosa nhanh chóng cúi đầu theo công nghệ xin lỗi đã có bề dày và rất đúng quy trình của họ, thì gia đình người thợ lặn cho Formosa tử vong bất thường giữa những ngày cá chết trắng bờ, lại phải chờ hơn 2 tháng mới đòi được kết quả pháp y.

 

Trong khi hai người dân thường phạm tội đập 7 hộp sữa của siêu thị, được đưa đến trại giam mau lẹ theo một quy trình đúng, thì nguyên Chủ tịch Vinaconex (nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình) lại được miễn trách nhiệm hình sự.

 

Đường nước sạch sông Đà mà ông Bình và Vinaconex phải chịu trách nhiệm chính, mới vỡ có… 18 lần và tất nhiên có thể chưa phải lần cuối, gây thiệt hại tiền tấn, khiến hàng trăm ngàn người điêu đứng vì thiếu nước.

 

Quy định pháp luật chỉ cho phép mỗi Sở không quá 3 Phó giám đốc, nhưng riêng Thanh Hóa lại bổ nhiệm đến 8 PGĐ sở NN&PTNT vì "một tỉnh mênh mông rộng lớn như Thanh Hóa mà có từng đó cấp phó là còn vất vả ấy chứ!" – như lời than vãn của ông Lê Như Tuấn, GĐ Sở.

 

Điều rất thú vị "chỉ có ở Việt Nam" là: Một việc sai rành rành đến mức ông Nguyễn Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) phải thốt lên "vi phạm quy định của pháp luật" - lại được tiến hành rất "đúng quy trình".

 

Theo một tờ báo, ông Trịnh Minh Chiến, bí thư Thanh Hóa khẳng định chắc nịch: "Quy trình bộ nhiệm hoàn toàn theo quy định của pháp luật. Thanh Hóa cũng không bao giờ dám làm sai quy trình. Một tỉnh có truyền thống lịch sử văn hóa, và con người cá tính như vậy, nếu làm sai chúng tôi bị kiện ngay lập tức". Cái sự "đều đúng quy trình" nhưng lại… vi phạm pháp luật này, có vẻ là một đặc sản của Thanh Hóa. Đợt rà soát mới đây nhất của chính Sở Nội vụ tỉnh này đã phát hiện một điều khó tin nhưng có thật: Thanh Hóa bổ nhiệm thừa đến cả trăm phó phòng. TP. Thanh Hóa bổ nhiệm sai 53 phó phòng, huyện Triệu Sơn thừa 32 phó phòng, Thiệu Hóa thừa 20, Tĩnh Gia thừa 17, Thạch Thành thừa 17, Yên Định thừa 12, Quảng Xương thừa 7...

 

Dù Chủ tịch UBND tỉnh đã phải tuýt còi dừng việc bổ nhiệm phó phòng song GĐ Sở Tài Chính Đinh Cẩm Vân vẫn nhanh tay hốt cú chót: Bổ nhiệm con gái Lê Cẩm Nhung, chuyên viên phòng Quản lý Ngân sách tin học và Thống kê tài chính, lên chức Phó trưởng phòng của chính cái sở mà mẹ cô làm GĐ.

 

Tôi chắc chắn rằng, khi Vinashine, Vinalines chưa xuất lộ hình hài gớm ghiếc của một con bệnh nặng, có rất nhiều đoàn đến kiểm tra, giám sát, thậm chí học hỏi kinh nghiệm làm lớn.

 

Vụ "cả họ làm quan" nổi sóng thần ở Mỹ Đức, Hà Nội trước đây cũng khép lại bằng việc đúng quy trình. 12 người là họ hàng làm quan ở xã Hạ Sơn, Quỳ Hợp, Nghệ An cũng được xác định là làm quy trình "dân chủ, công khai, dựa trên năng lực cá nhân".

 

Các thủy điện ở Tây Nguyên có lẽ cũng được xây dựng đúng quy trình, nhưng rừng thì đang bị tận diệt đúng quy trình của lâm tặc. "Còn một mảnh rừng cuối cùng là Vườn quốc gia Yoóc Đôn thì người ta cũng lăm le làm nốt thủy điện; Hàng năm tỉnh phải đi xin nước của nhà máy thủy điện mới tổ chức được Lễ hội đua voi trên sông Sêrêpôk… Nếu chúng ta không làm nhanh thì chúng ta sẽ không còn Tây Nguyên nữa" - đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Duy Hữu kêu lên đau đớn.

 

Nếu không có một bài báo phát hiện chi tiết nhỏ là ông Phó chủ tịch đi xe quá tiêu chuẩn (Lexus 570) thì sau này, hàng loạt "quy trình đen" đề bạt, cất nhắc Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, lại có thể trở thành "quy trình đúng". Nếu vẫn còn chức thì trên cả cương vị Phó chủ tịch tỉnh lẫn đại biểu QH, ông Thanh hoàn hoàn có thể răn dạy người khác về liêm chính, về việc đào tạo đội ngũ kế cận đúng quy trình.

 

Nếu không có một người thầy giáo chân quê, đôi lúc dám đặt cược cả sinh mạng của mình (bệnh tim) để đội đơn cầu cứu khắp nơi, thì mọi quy trình khép tội người tù xuyên thế kỷ Huỳnh Văn Nén có thể trở thành "quy trình đúng" được phổ biến ở đâu đó giống như "một trận đánh đẹp" mà đứng đầu CA Hải Phòng đã phát biểu trong vụ Đoàn Văn Vươn.

 

Nếu không có bài báo khởi đầu và cú chốt quyết định là chỉ đạo của Thủ tướng, thì gần như chắc chắn giờ này chủ quán café Xin chào ở TP. HCM đang phải "chăn kiến" trong một trại giam nào đó bởi "quy trình đúng" của công an, viện kiểm sát bởi tội Kinh doanh trái phép.

 

Những con bệnh đa cấp lừa đảo khủng khiếp như Liên Kết Việt, khi chưa bị báo chí phanh phui, có không ít VIP đã đến phát biểu, trao hoa, biểu dương mô hình làm ăn mới vì cộng đồng. Quy trình đúng mà bọn lừa đảo nhắm đến, lơi dụng, là phải có sự hiện diện của VIP để tăng uy tín. Tiền tài và sự cung phụng, luôn là quy trình đúng trong lựa chọn của những quan tham.

 

3. Để voi không duyệt binh hàng đoàn qua… lỗ kim

 

 

Một chuyên gia về công tác nội vụ đã nói rằng: Nếu chỉ xét khía cạnh các quy định thì quy trình làm nhân sự của Việt Nam hiện nay vào loại chặt chẽ nhất thế giới.

 

Một người muốn được bước vào hàng ngũ chức sắc, trước hết phải có tên trong danh sách quy hoạch nguồn lãnh đạo. Sau đó còn phải được giới thiệu, thẩm định của đủ loại cơ quan đoàn thể thành phần từ nơi công tác đến nơi cư trú; lấy phiếu tín nhiệm trước khi được đa số tập thể lãnh đạo biểu quyết đồng ý và thủ trưởng cơ quan ra quyết định bổ nhiệm.

 

Nếu quy trình ấy được làm đúng, minh bạch, công tâm, vì cái chung thì một con vi khuẩn cũng không lọt qua được lỗ kim. Nhưng thực tiễn thì không giống như lý thuyết. Vài năm qua, với một sự nỗ lực lớn, Việt Nam đã lôi ra ánh sáng và xét xử nhiều đại án tham nhũng. Nhưng phía sau sự nỗ lực ấy, lại là câu hỏi: Tại sao nhiều "binh đoàn voi" lại có thể diễu binh đàng hoàng qua lỗ kim như vậy?

 

"Chúng ta phải xem lại cơ chế quản lý kinh tế, kiểm soát doanh nghiệp, chứ sao lại để một cán bộ như Giang Kim Đạt. Chức vụ không cao, chỉ là Trưởng phòng một đơn vị thuộc Vinashin thôi mà lại có thể dễ dàng tham nhũng đến gần 19 triệu USD (gần 400 tỉ). Đây là điều không thể chấp nhận được", ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã phải kêu lên như vậy.

 

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận xét: "Trong nỗ lực né tránh, để "thoát hiểm", các ý kiến biện minh thường tập trung vào khía cạnh "bổ nhiệm đúng quy trình". Tấm "chắn" quy trình đang được sử dụng triệt để nhằm che chắn những yếu kém thực chất của cơ chế quản trị điều hành, của năng lực cán bộ và của những động cơ lợi ích nhóm - cá nhân rất mạnh ở phía sau".

 

ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, khi nói về việc bổ nhiệm con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đã khái quát vấn đề rất chính xác. "Có huyện, cả dòng họ làm lãnh đạo huyện, người thân trong gia đình thay nhau làm lãnh đạo huyện. Bây giờ ở các bộ, ngành cũng có tình trạng đưa con cháu mình vào. Vấn đề này, ĐB QH cũng rất bức xúc và đã phát biểu nhiều: "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ", mà bây giờ trí tuệ còn rớt xuống thứ 5, thứ 6 rồi" – ông Phong đánh giá.

 

Ông Phong cho rằng gài người của mình và yêu cầu "đàn em, đồ đệ" làm theo quy trình thì bản thân quy trình đó đã sai!

 

Quy trình dạy học đúng, nhưng rơi vào tay một cô giáo tồi, thiếu kiến thức và nhiệt huyết, thì những đứa trẻ sẽ biến thành con vẹt. Quy trình học hành đúng, nhưng rơi vào tay những kẻ hãnh tiến, háo danh, tham lam, thì sẽ ra lò những luận văn tiến sĩ khiến "Thượng đế cũng phải cười".

 

Quy trình tố tụng đúng, nhưng rơi vào tay cảnh sát, kiểm sát viên, thẩm phán tồi hoặc thoái hóa biến chất, thì sẽ có rất nhiều con thỏ bị biến thành gấu - như ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén.

 

Quy trình nuôi dạy trẻ đúng, nhưng nếu những búp trên cành rơi vào tay các bảo mẫu ác thú như Quảng Thị Kim Hoa, thì tâm sinh lý của những đứa trẻ vô tội sẽ đi vào ngõ cụt.

 

Quy trình nào thì cũng do con người làm ra và vận hành.

 

Chỉ khi người làm ra và vận hành quy trình ấy biết được cái giá của sự liêm sỉ; biết được số phận thảo dân cũng đáng quý như số phận quan; biết được "trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", biết được sẽ không có vùng cấm nào để hạ cánh an toàn cho những chuyên cơ vơ vét…, thì khi ấy, "quy trình đúng" mới không trở thành cái khiên che chắn cho tội lỗi, hại dân, hại nước.

BÙI HẢI

Top